Điểm mặt một số vụ M&A bất động sản "đình đám" năm 2014

11:13 | 01/01/2015

Năm 2014 được đánh giá là năm khởi sắc của thị trường mua bán sáp nhập (M&A) Việt Nam với hàng loạt các thương vụ đình đám. Theo thống kê của Viện Hợp nhất sáp nhập và liên minh (IMAA), một tổ chức theo dõi các thương vụ M&A trên toàn cầu, cho thấy Việt Nam có 313 thương vụ M&A trong năm 2014 với tổng giá trị lên tới 2,5 tỷ USD, tăng vượt so với năm 2013.

Trong đó, sẽ thật thiếu sót nếu không kể tới một loạt các thương vụ đáng giá triệu USD thuộc lĩnh vực bất động sản, tập trung chủ yếu vào phân khúc bất động sản trung tâm thương mại/bán lẻ, phân khúc nhà ở và khách sạn. Xét về quy mô, đã xuất hiện ngày càng nhiều càng thương vụ có quy mô lớn và trở thành tâm điểm chú ý của thị trường.

Novaland mua lại Lexington, Icon 56, Galaxy 9

Dự án Icon 56 - Bến Vân Đồn, Quận 4

Dự án Icon 56 - Bến Vân Đồn, Quận 4

Vào thời điểm đầu năm 2014, Tập đoàn Novaland công bố mua lại 3 dự án căn hộ thương mại  gồm Lexington Residence (quận 2), Icon 56 (quận 4) và Galaxy 9 (quận 4) tại TPHCM với tổng vốn đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng. Đây được xem là một trong những thương vụ nổi bật vào thời điểm công bố và là "phát súng" mở màn cho sự sôi động của thị trường trong những tháng còn lại trong năm.

 

Các dự án được Novaland mua lại đều là những dự án "đóng băng" đang được triển khai dở dang. Trong đó, Galaxy 9 trước đó có tên là dự án số 9 Nguyễn Khoái do Công ty Cao su Miền Nam (Casumina) làm chủ đầu tư. Icon 56 tiền thân là dự án Khahomex - Savico Tower do Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn - Savico và Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Khánh Hội (Khahomex) làm chủ đầu tư. Còn Lexington tại quận 2 được Novaland mua lại từ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Bất động sản Đại Hưng Phú.

Ngoài các dự án trên, trong năm 2014 Novaland cũng là một cái tên được nhắc tới khá nhiều trên thị trường khi liên tục công bố mua lại hàng loạt các dự án từ các "ông lớn" trong làng bất động sản như Lucky Palace tọa lạc tại số 50 Phan Văn Khỏe của Hoàng Anh Gia Lai, dự án Intresco Tower của Intresco hay Savico Plaza tại 104 Phổ Quang, quận Phú Nhuận...

Chuỗi siêu thị Metro về tay đại gia Thái Lan

 

Các công ty của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có mặt tại Việt

Các công ty của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có mặt tại Việt Nam

Hồi tháng 8/2014, Công ty Thai Beverage Pcl. (ThaiBev) của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi công bố chi gần 900 triệu USD để mua lại hệ thống 19 đại siêu thị Metro trên khắp Việt Nam. Thương vụ này dự kiến sẽ được hoàn tất vào đầu năm 2015 này.

Metro nhượng quyền cho BJC trong bối cảnh thua lỗ nhiều năm do phải tập trung mở rộng đầu tư các trung tâm bé buôn. Trong suốt hơn 12 năm hoạt từ 2002 đến 2014, Metro liên tục báo lỗ ngoại trừ năm 2010 doanh nghiệp này công khai khoảng lãi 116 tỷ đồng.

Về đối tác mua lại chuỗi siêu thị Metro, BJC là một Tập đoàn lớn của Thái với giá trị vốn hóa trên thị trường vào khoảng 88 tỷ Baht (khoảng 2,8 tỷ USD). Tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont vốn phất lên nhờ hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi và hiện BJC đang kinh doanh 5 chuỗi cung ứng chính gồm bao bì, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật, bán lẻ và chuỗi cung ứng khác tại Thái lan và 5 quốc gia Asean khác.

Trước đó, BJC cũng đã mua cổ phần Family Mart Nhật Bản trong liên doanh Family Mart tại Việt Nam và đổi tên chuỗi cửa hàng tiện lợi này thành B'mart. Các DN của tỷ phú Thái này cũng đã mở hàng loạt doanh nghiệp sản xuất giấy, thủy tinh, lon nước giải khát... tại Việt Nam. Sau thương vụ với Metro, tỷ phú người Thái này còn là cổ đông và đối tác chiến lược của Vinamilk với 11% cổ phần sở hữu và không che giấu tham vọng muốn mua lại cổ phần tại "ông lớn" ngành bia là Sabeco.

Vingroup mua lại chuỗi siêu thị Ocean Retail

Hệ thống Oean Mart được đổi tên thành VinMart.

Hệ thống Oean Mart được đổi tên thành VinMart.

Năm 2013, Vingroup được nhắc tới với vị thế là người bán trong 2 thương vụ "khủng" gồm vụ chuyển nhượng Vincom Center A cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD) với tổng giá trị khoảng 470 triệu USD và thương vụ đầu tư 200 triệu USD của quỹ ngoại Warburg Pincus vào Vincom Retail. Tuy nhiên, sang năm 2014, Vingroup lại liên tục gây bất ngờ khi công bố mua lại cổ phần tại các công ty bất động sản trong nước.

Trong đó, thương vụ nhận được nhiều sự chú ý nhất là vụ chuyển nhượng cổ phần tại công ty Ocean Retail của Ocean Group cho Vingroup được công bố hồi đầu tháng 10. Theo đó, 100% cổ phần của công ty Ocean Retail đã được chuyển nhượng cho các đối tác, trong đó 70% cổ phần được chuyển nhượng cho VinGroup. Sau khi chuyển nhượng, chuỗi siêu thị Ocean Mart được đổi tên thành VinMart.

Giá trị thương vụ này không được tiết lộ. Tuy nhiên, phía Ocean Group cho biết, trước chuyển nhượng, Tập đoàn này sở hữu 90% cổ phần của Ocean Retail. Sau thương vụ chuyển nhượng cho Vingroup với tổng lãi là 500 tỷ đồng thì riêng Ocean Group lãi 450 tỷ đồng tương ứng với số cổ phần sở hữu nói trên.

Trước đó, Vincom Retail – một công ty con của Vingroup – đã ký hợp đồng với một đối tác doanh nghiệp để nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của công ty sở hữu Hà Nội Starbowl. Ngoài ra, trong năm, Vingroup cũng đã thâu tóm xong dự án Thành Phố Xanh hơn 17ha tại Mỹ Đình từ tay chủ đầu tư là CTCP Bất động sản Hồng Ngân.

Tung Shing mua lại khách sạn Movempick Sài Gòn

Khách sạn 5 sao Movenpick Saigon.

Khách sạn 5 sao Movenpick Saigon.

Tập đoàn đến từ HongKong, Tung Shing group đã chi hơn 16 triệu USD để sở hữu 53% cổ phần tại khách sạn 5 sao Movenpick Saigon. Đây là một khoản đầu tư VinaLand, quỹ đầu tư bất động sản thuộc VinaCapital. Vào 7 năm trước, VinaCapital đã chi 21 triệu USD để mua lại 70% cổ phần của khách sạn này.

Khách sạn Movenpick Saigon là dự án bất động sản liên doanh giữa một công ty nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài ban đầu có tên Desk Strong Ltd. Movenpick Saigon là khách sạn 5 sao gồm 178 phòng, có vị trí tương đối thuận lợi, nằm trên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TPHCM.

Tung Shing Group là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động từ những năm đầu thập niên 90, bắt đầu trong lĩnh vực dệt may. Tung Shing hiện đang sở hữu hàng loạt bất động sản "khủng" tại Việt Nam như: khu Căn hộ và biệt thự cao cấp Golden Westlake Executive Residences (151 Thụy Khuê và 162 Hoàng Hoa Thám,Hà Nội), Tòa nhà thương mại văn phòng Tung Shing Square ( Số 2 Ngô Quyền,Hà Nội) và Khách sạn Hà Nội ( D8 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội), khách sạn Halong Pearl ( Hạ Long, Quảng Ninh) và khách sạn Hanoi Lakeside (23 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội).

FLC thâu tóm dự án Lavender, 36 Phạm Hùng

Dự án The Lavender với thiết kế 41 tầng nổi, 4 tầng hầm.

Dự án The Lavender với thiết kế 41 tầng nổi, 4 tầng hầm.

Thời điểm gần cuối năm 2014, Tập đoàn FLC bất ngờ công bố chính thức sở hữu tại dự án The Lavender với thiết kế 41 tầng nổi, 4 tầng hầm tọa lạc tại vị trí trung tâm quận Hà Đông (Hà Nội). Sau khi thâu tóm thành công The Lavender, phía FLC cho biết sẽ sớm khởi động lại dự án này sau thời gian dài 3 năm nằm "đắp chiếu".

Trước đó, FLC cũng thâu tóm thành công 2 thương vụ khá đình đám là dự án Alaska Garden City và 36 Phạm Hùng. Trong đó, FLC bỏ 300 tỷ đồng để mua lại dự án Alaska Garden City vào cuối năm 2013 đầu 2014 và 198 tỷ đồng để thâu tóm dự án 36 Phạm Hùng từ Hải Phát để đầu tư phát triển một tổ hợp chung cư cao cấp 38 tầng có quy mô khoảng 500 căn hộ tại đây.

Khách sạn Thắng Lợi về tay đại gia ngân hàn

Dự án The Lavender với thiết kế 41 tầng nổi, 4 tầng hầm.

 

Cuối năm 2014, giới đầu tư và dân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch hiện xôn xao về thông tin một đại gia trong lĩnh vực ngân hàng - Tập đoàn BRG đã mua 30% cổ phần của khách sạn Thắng Lợi. Một số nguồn tin cũng cho rằng, hiện nhân sự của Tập đoàn này đã vào nắm giữ một số vị trí chủ chốt của khách sạn Thắng Lợi.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo phía khách sạn Thắng Lợi cũng đã xác nhận việc Tập đoàn BRG cùng một số đối tác khác đã liên doanh để góp vốn vào công ty. 

Khách sạn Thắng Lợi được Cu Ba xây tặng Việt Nam từ năm 1973 vàkhánh thành vào 1975. Khách sạn này có diện tích 4,5 ha, nằm ở vị trí đắc địa, chiếm một góc Hồ Tây. Vì thế nó được đánh giá là một trong những khách sạn đẹp và nổi tiếng bậc nhất Hà Nội. Dù được xây dựng cách đây 40 năm nhưng khách sạn này vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, với 175 phòng nghỉ và các khu dịch vụ như nhà hàng, bể bơi ngoài trời...

Trong khi đó, Tập đoàn BRG là một tập đoàn nổi tiếng, đầu tư và hoạt động tập trung chủ đạo vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tập đoàn này cũng là chủ sở hữu một số sân golf như: Kings’ Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Sân gôn  Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng), Sân gôn Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội).

 Phương Dung(dantri)

 

Bạn cần đăng nhập để tham gia thảo luận.