"Hà hơi" cho bất động sản, con đường ngắn nhất để giải nợ xấu?

06:36 | 01/10/2014

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên 

Một tin đáng mừng với thị trường bất động sản là mới đây, trong phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình có cho biết, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay bất động sản.

Theo ông Bình, tính tới thời điểm hiện tại, chỉ 10,7% hay 3,2 nghìn tỷ đồng của gói 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội đã được giải ngân thành công cho 26 doanh nghiệp và hơn 7.000 cá nhân từ khi gói được đưa ra thị trường từ tháng 6/2013. Trong khi đó, 5 ngân hàng tham gia giải ngân cho biết đã nhận giấy tờ cho vay lên tới 5,9 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cho vay bất động sản đã tăng vọt lên 12% so với cuối năm ngoái vào thời điểm cuối tháng 9. Đây là một sự gia tăng đáng kể so với con số hồi cuối tháng trước vào khoảng 9,85% so với cuối năm ngoái.

Tại bản tin cung cấp cho nhà đầu tư, công ty chứng khoán TPHCM (HSC) cho rằng, gói hỗ trợ nhà ở xã hội đã gặp khó khăn do thiếu các dự án hợp lệ. Điều này có thể dễ đoán được vì các chủ đầu tư đã tránh phân khúc này trong quá khứ vì giá đất thì cao trong khi lợi nhuận lại thấp. Tuy nhiên, các dự án đang xây dựng cho phân khúc này đã tăng lên đáng kể nhưng cần đến 12 - 18 tháng để có thể xây dựng danh mục khá lớn của các dự án mới vì khoảng thời gian từ khi bắt đầu cho tới lúc được chấp thuận tại Việt Nam là khá lâu.

HSC cho rằng, tỷ lệ giải ngân sẽ tiếp tục chậm cho tới nửa cuối năm 2015. Và đây là lý do tại sao mà NHNN đang xây dựng để khởi động một gói hỗ trợ nhà ở mới cung cấp khoản vay thế chấp dài hạn cho các viên chức nhà nước ở mức lãi suất khá hấp dẫn để mua bất kỳ bất động sản nào mà họ muốn.

NHNN chắc chắn rất muốn đẩy mạnh thị trường bất động sản do những tác động rõ ràng của vĩ mô. Nếu như thị trường bất động sản tăng lên trong 2-3 năm tới, thì thị trường mua bán nợ xấu và tài sản thế chấp cũng sẽ tăng. Điều này có nghĩa là ngân hàng sẽ trích lập dự phòng ít hơn so với kế hoạch để hạ giá trị sổ sách của các khoản nợ xấu xuống giá thị trường. 

"Tất nhiên đó là điều kiện tiên quyết để bán nợ xấu mà không gây ra thiệt hại cho ngân hàng và giúp cho hệ thống ngân hàng trở lại bình thường sớm nhất có thể", phía HSC cho biết.

Theo báo cáo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tại thời điểm cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu là 4,11% (tương đương nợ xấu là 162,2 nghìn tỷ đồng), được tính dựa trên số liệu mà các ngân hàng báo cáo NHNN hàng tháng. Con số này cao hơn so với 3,9% cuối năm 2013. Tuy nhiên, Vụ Giám sát ngân hàng của NHNN ước tính tỷ lệ nợ xấu thực tế tại thời điểm cuối tháng 7/2014 có thể lên tới 8% (ước tính khoảng 319,2 nghìn tỷ đồng).

Theo HSC, từ con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 8% cộng với khoản ước tính các ngân hàng trích lập dự phòng và tự xử lý khoảng 50 nghìn tỷ đồng và bán 50 nghìn tỷ đồng nợ xấu cho VAMC mỗi năm thì các ngân hàng cần thêm khoảng 2-3 năm nữa để xử lý nợ xấu. 

Hiện HSC cho rằng tỷ lệ nợ xấu khả dĩ nhất là 14,7%, theo đó ước tính có thể phải mất 5-6 năm để trích lập dự phòng cho toàn bộ nợ xấu, trừ khi giá bất động sản tăng mạnh trong thời gian này. "Như vậy, còn rất nhiều việc phải làm. Và đây là lý do tại sao NHNN muốn cải thiện thị trường bất động sản. Và khi giá bất động sản được cải thiện thì điều này có thể nâng cao giá trị của nợ xấu trên thị trường thứ cấp và rút ngắn chu kỳ trích lập dự phòng", HSC đánh giá.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một điểm rằng, dù việc đẩy mạnh dòng vốn cho vay bất động sản được cho rằng sẽ góp phần kích thị trường bất động sản ấm dần lên thì cũng còn nhiều ý kiến cho rằng không nên kỳ vọng quá nhiều vào các biện pháp của cơ quan điều hành để hỗ trợ về dòng tiền cho thị trường bất động sản.

Trong một bản tin khác gửi tới nhà đầu tư, nhóm phân tích của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, điều quan trọng là cần có sự tháo gỡ về chính sách và hoàn thiện về pháp lý để kích thích cả cung và cầu đối với thị trường bất động sản. Trong đó, Luật Đất đai 2013 và dự thảo sửa đổi Luật nhà ở và Luật kinh doanh với các đề xuất như mở rộng cho người nước ngoài mua nhà, giảm thủ tục hành chính trong cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, phát triển quỹ đất cho nhà ở xã hội, thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai… đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ thị trường.

Bên cạnh đó, việc xúc tiến xây dựng hạ tầng kết nối như các tuyến Metro (Hà Nội và TPHCM), đường vành đai, đường cao tốc… cũng đang góp phần tạo giá trị gia tăng cho các bất động sản tại cửa ngõ các thành phố lớn theo nguyên tắc “hạ tầng đi đến đâu thì bất động sản phát triển đến đó”.

                                                                                                  Phương Dung(Dantri)

 

Bạn cần đăng nhập để tham gia thảo luận.